Với tốc độ tăng trưởng giá trị sản
lượng bình quân hằng năm đạt 16 – 17% (2010 – 2015), ngành nhựa Việt Nam đang đứng
thứ 2 ở Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng. Nhiều sản phẩm nhựa gia dụng của
doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thể giới, tuy nhiên giá trị
mang lại chưa cao vì vẫn cạnh tranh ở phân khúc thấp.
Đó là nhận định của Ông
Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thương mại VCCI tại buổi thảo
“Hướng phát triển cho ngành nhựa Việt Nam – Đón đầu cơ hội từ sự hình thành cộng
động kinh tế ASEAN” vừa diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế ngành Nhựa và
Cao su 2015 (VietnamPlas 2015).
Ông Bình cho biết, máy móc
cũ, công nghệ lạc hậu làm cho chất lượng sản phẩm nhựa của các doanh nghiệp trong
nước không cao, kém cạnh tranh. Phần lớn các sản phẩm rất giản đơn, tiêu chuẩn
thấp nên giá trị gia tăng mang lại thấp. Nhiều doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đầu
tư, 70- 80 % máy móc của các doanh nghiệp nhựa trong nước là máy cũ nhập khẩu từ
Trung Quốc.
Theo ông Đinh Thế Hiển, Viện
trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng TPHCM, hơn 80% doanh nghiệp nhựa trong
nước là doanh nghiệp gia đình, làm từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm nên không
tận dụng được nguồn lực chuyên biệt hóa bên ngoài. Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp
chưa ứng dụng công nghệ trong quản lý, kiểm soát do đó làm gia tăng chi phí sản
xuất.
Để giải quyết tình trạng
này, ông Hiển đề xuất quy hoạch các doanh nghiệp nhựa về một khu tập trung, xây
dựng mô hình sản xuất chuỗi nhằm tối thiểu hóa hao phí sản xuất, giảm chi
phí vận tải đồng thời tăng cường hợp tác và hỗ trợ giữa các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó theo các chuyên
gia, các doanh nghiệp nhựa trong nước đang có khả năng sản xuất bao bì, đóng
gói sản phẩm khá tốt. Do đó cần tăng cường phát triển các ngành phụ trợ và phối
hợp với ngành nông nghiệp để mở rộng thị trường trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình,
sắp tới đây, khi các các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực và sự hình
thành cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp
Việt Nam. Hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội
tiếp cần thị trường lớn như EU, tuy nhiên hàng rào kĩ thuật vẫn đang là trở ngại
lớn với hầu hết doanh nghiệp. Đồng thời, ở thị trường nội địa, Việt Nam phải cạnh
tranh gay gắt hơn với các đối thủ lớn trong khu vực. Và bài toán đặt ra
là phải bắt buộc đổi mới.